Ngành Vật lý kỹ thuật - cơ hội vàng trong thời đại công nghệ
Ngành Vật lý kỹ thuật tại Trường đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội định hướng nghiên cứu và ứng dụng đáp ứng nhu cầu nhân lực công nghệ cao.
Từ nay đến năm 2030, thế giới cần khoảng 1 triệu lao động cho tất cả các khâu thiết kế, sản xuất, lắp ráp, đóng gói, kiểm thử chip. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp bán dẫn lớn đang tìm cách đa dạng hoá chuỗi cung ứng, tận dụng nguồn nhân lực trẻ, có trình độ tại các nước châu Á, trong đó có Việt Nam.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư ước tính, đến năm 2030 Việt Nam cần khoảng 15.000 kỹ sư thiết kế, 35.000 kỹ sư làm việc trong các nhà máy sản xuất chip bán dẫn; đồng thời sẽ tạo ra 154.000 việc làm gián tiếp, đóng góp 360.000 tỷ đồng vào GDP [1].
Nhu cầu nhân lực trong ngành Vật lý kỹ thuật tại Việt Nam đang tăng cao, đặc biệt trong các lĩnh vực năng lượng tái tạo, công nghệ thông tin và truyền thông, sản xuất công nghiệp và vi mạch bán dẫn. Các công ty công nghệ, doanh nghiệp sản xuất và tổ chức nghiên cứu đều cần kỹ sư và chuyên gia có chuyên môn về vật lý kỹ thuật để áp dụng vào các dự án và sản phẩm mới.
Chương trình đào tạo ngành Vật lý kỹ thuật tại Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Bùi Đình Tú, Phó chủ nhiệm Khoa Vật lý kỹ thuật và Công nghệ nano, Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: Chương trình đào tạo ngành Vật lý kỹ thuật của trường được thiết kế theo định hướng ứng dụng và nghiên cứu chuyên sâu trong các lĩnh vực Công nghệ quang tử, Công nghệ nano và ứng dụng, Vật lý tính toán.
Các lĩnh vực này đều liên quan mật thiết đến Vi mạch bán dẫn, Năng lượng tái tạo. Với nội dung chương trình đào tạo, sinh viên ngành hoàn toàn có thể tham gia thị trường lao động trong lĩnh vực công nghệ, đáp ứng nhu cầu nhân lực đang thiếu hụt.
Vật lý kỹ thuật là ngành đào tạo rộng có tính liên ngành, ứng dụng các nguyên lý của vật lý và toán học để giải quyết các vấn đề kỹ thuật trong nhiều lĩnh vực như vật liệu, vi điện tử - đo lường, y sinh và môi trường.
Khoa Vật lý kỹ thuật và Công nghệ nano, Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội đào tạo ngành Vật lý kỹ thuật tập trung vào hai chuyên ngành là Công nghệ nano và ứng dụng; Công nghệ Quang tử - đây là các lĩnh vực công nghệ tiên tiến, có tiềm năng ứng dụng cao.
Chuyên ngành Công nghệ nano và ứng dụng; Công nghệ quang tử đều thuộc lĩnh vực công nghệ cao, đòi hỏi kiến thức nền tảng vững chắc về vật lý và kỹ thuật, hướng tới ứng dụng trong các ngành công nghiệp như: Cơ khí, điện tử, y tế, năng lượng, môi trường,...
Hai chuyên ngành đều đang phát triển và có vai trò quan trọng trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trên toàn thế giới nói chung cũng như định hướng phát triển hiện tại của Việt Nam.
Với định hướng ứng dụng thực tiễn, Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội luôn chú trọng giúp sinh viên không chỉ có kiến thức chuyên môn sâu mà còn có khả năng vận dụng và thực hành vào công việc một cách linh hoạt, sáng tạo.
Nhà trường đã trang bị cơ sở vật chất hiện đại gồm hệ thống giảng đường, phòng thí nghiệm tân tiến và thiết bị đa phương tiện nhằm tạo điều kiện học tập tốt nhất, đáp ứng quá trình thí nghiệm, thực nghiệm, phục vụ cho công tác giảng dạy, học tập và nghiên cứu của sinh viên, giảng viên.
Kết hợp với việc học trên giảng đường, sinh viên ngành Vật lý Kỹ thuật được tổ chức tham gia các chương trình thực tập, thực tế tại các các cơ sở nghiên cứu liên kết về công nghệ nano; tư vấn, giám sát, phụ trách kỹ thuật thiết kế điều khiển lắp ráp các sản phẩm trong sản xuất công nghiệp; xét nghiệm ở các bệnh viện; phân loại kiểm định chất lượng sản phẩm; phân tích vật liệu.
Sinh viên được học tập trong môi trường năng động với 17 câu lạc bộ sinh viên, tạo điều kiện cho sự phát triển toàn diện và kết nối bạn bè. Sinh viên có cơ hội giành nhiều loại học bổng giá trị cao lên đến từ các đối tác của Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Trong năm 2024, sinh viên năm thứ nhất sẽ được đào tạo tại cơ sở Hòa Lạc với nhiều ưu thế hấp dẫn. Sinh viên được học tập theo mô hình hiện đại kết hợp giảng dạy kiến thức chuyên môn và đào tạo kỹ năng mềm, được tham gia các hoạt động câu lạc bộ và các hoạt động thể thao, văn hóa, sinh viên được bố trí chỗ ở trong Ký túc xá gần khuôn viên khu học tập. Đặc biệt, 100% sinh viên được nhận quà tặng từ Nhà trường là 1 chiếc laptop đáp ứng nhu cầu học tập. Từ năm thứ 2 trở đi, sinh viên sẽ quay trở lại học tập tại trụ sở chính (số 144 đường Xuân Thuỷ, quận Cầu Giấy, Hà Nội).
Bên cạnh đó, sinh viên còn có cơ hội tham gia các dự án nghiên cứu khoa học quy mô lớn, các cuộc thi Olympic Vật lý để mở mang kiến thức, khẳng định năng lực, trí tuệ.
Trong quá trình học tập, sinh viên tích lũy kiến thức, kỹ năng chuyên ngành, đồng thời, được “truyền lửa” – cảm hứng học tập, đam mê nghiên cứu từ các thầy cô tài năng, tâm huyết. Sinh viên được cùng tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học với các thầy cô là giảng viên trong Khoa Vật lý kỹ thuật và Công nghệ nano cũng như từ Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam ngay từ những năm đầu đại học.
Kết hợp với việc học trên giảng đường, sinh viên ngành Vật lý Kỹ thuật được tổ chức tham gia các chương trình thực tập, thực tế tại các các cơ sở nghiên cứu liên kết về công nghệ nano; tư vấn, giám sát, phụ trách kỹ thuật thiết kế điều khiển lắp ráp các sản phẩm trong sản xuất công nghiệp, xét nghiệm ở các bệnh viện hay phân loại kiểm định chất lượng sản phẩm, phân tích vật liệu. Đây cũng là cơ hội để các bạn được thực hành, thực tập sớm giúp nâng cao kỹ năng cũng như kiến thức chuyên môn.
Thầy Tú cho biết, ngay trong năm học vừa qua, có 3 sinh viên của Khoa sang Đài Loan và 8 sinh viên sang Hàn Quốc học tập và trao đổi từ 3 tuần tới 3 tháng. Đây là trải nghiệm rất tốt cho các bạn để thắp lên niềm đam mê học tập và nghiên cứu trong lĩnh vực Vật lý kỹ thuật.
Anh Trần Văn Hiệp, cựu sinh viên ngành Vật lý kỹ thuật, Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, hiện đang làm nghiên cứu viên tại Trung tâm Công nghệ Vi điện tử và Tin học, Viện Ứng dụng Công nghệ chia sẻ, ngay từ năm 3 đại học, anh đã trao đổi với các giáo viên hướng dẫn về mong muốn và nguyện vọng làm việc chuyên sâu ngành nghề, lĩnh vực cụ thể. Các giảng viên trong khoa rất nhiệt tình và có định hướng rõ ràng cho từng sinh viên, hướng dẫn và giới thiệu các cơ quan, doanh nghiệp để thực tập và làm việc theo đúng nguyện vọng, định hướng của sinh viên.
Trước khi ra trường, sinh viên đã được hướng dẫn về nghề nghiệp và làm việc trong doanh nghiệp. Điều này giúp sinh viên dễ dàng tìm kiếm cơ hội việc làm, chuẩn bị cho việc ứng tuyển sau này.
Theo Tiến sĩ Bùi Đình Tú, cử nhân tốt nghiệp ngành Vật lý kỹ thuật có thể đảm nhận nhiều vị trí công việc về kỹ thuật, quản lý, chuyển giao và ứng dụng công nghệ mới tại các tập đoàn công nghiệp, công ty công nghệ, viện nghiên cứu, trường đại học hoặc chuyển tiếp đào tạo bậc sau đại học ở trong nước và nước ngoài về lĩnh vực liên quan.
Đồng thời, cử nhân ngành Vật lý kỹ thuật có thể đảm nhận các vị trí việc làm trong lĩnh vực công nghiệp điện tử/bán dẫn, khoa học vật liệu, công nghệ y-sinh, công nghệ môi trường, công nghệ sản xuất và lưu trữ năng lượng, cùng nhiều lĩnh vực khác.
Tốt nghiệp ngành Vật lý Kỹ thuật sinh viên có thể làm việc tại các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực như: Các lĩnh vực liên quan đến vật liệu mới, vi điện tử – đo lường, y – sinh và môi trường; lĩnh vực năng lượng (sản xuất pin mặt trời, pin và ắc quy, đèn LED); lĩnh vực chăm sóc sức khỏe (sản xuất dược phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm); lĩnh vực vật liệu điện tử, bán dẫn, vi mạch, vật liệu tổng hợp (composites), mực in thông minh,...
Sau tốt nghiệp, người học có thể trở thành kỹ sư quản lý sản xuất, chất lượng của các hoạt động kỹ thuật trong các công ty công nghệ, doanh nghiệp công nghiệp trong và ngoài nước; Nhân viên nghiên cứu, triển khai, chuyển giao và ứng dụng công nghệ hiện đại tại các trung tâm nghiên cứu, phòng thí nghiệm; Chuyên viên nghiên cứu, phân tích kỹ thuật tại các công ty công nghệ, tập đoàn công nghiệp trong và ngoài nước; Giảng viên, cán bộ nghiên cứu tại các trường đại học, trung tâm, viện nghiên cứu.
Thầy Tú cho hay, hiện nay, ngành nghề, lĩnh vực nào cũng có tỷ lệ cạnh tranh cao, nhất là trong những ngành khoa học kỹ thuật, đòi hỏi ứng viên phải có kiến thức cũng như kỹ năng tốt. Khảo sát sơ bộ sinh viên tốt nghiệp ngành Vật lý kỹ thuật, Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội có tỉ lệ có việc làm sau 6 tháng tốt nghiệp đạt 98% với mức lương trung bình là tốt so với mặt bằng chung.
Ông Hồ Anh Tâm - Nhà sáng lập, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Laser Công nghiệp. Ông tốt nghiệp ngành Vật lý kỹ thuật, Trường Đại học Công nghệ từ năm 2009 đến nay đã được 15 năm. Trước khi thành lập công ty riêng, ông từng có 4 năm công tác tại Viện Ứng dụng Công nghệ trong mảng laser.
Theo ông, ngành Vật lý kỹ thuật đóng vai trò cầu nối giữa nghiên cứu cơ bản và ứng dụng vật lý trong thực tế. Khi có sự hài hòa giữa nghiên cứu và kỹ thuật thực tế, chúng ta có thể tạo ra nhiều sản phẩm mang tính ứng dụng cao. Khoa Vật lý kỹ thuật và Công nghệ nano đã luôn tạo cơ hội cho sinh viên tiếp cận công nghệ, áp dụng kiến thức vào công việc nghiên cứu. Điều này giúp sinh viên thích nghi công việc tại các viện nghiên cứu hay các doanh nghiệp sau khi tốt nghiệp.
Khi còn làm nghiên cứu tại Viện Ứng dụng Công nghệ, ông Tâm nhận thấy tiềm năng lớn trong lĩnh vực laser và quyết định thành lập doanh nghiệp riêng để triển khai các ứng dụng thực tiễn.
Tại công ty, ông Tâm quản lý một đội kỹ thuật và nghiên cứu, phụ trách phát triển sản phẩm mới và triển khai các giải pháp máy móc cho khách hàng. Một số thành viên được ông Tâm tuyển từ Khoa Vật lý kỹ thuật và Công nghệ nano của Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Mức lương của các nhân viên trong đội nghiên cứu và kỹ thuật dao động từ 15 đến 20 triệu đồng/tháng, tùy thuộc vào năng lực. Các nhân viên có kinh nghiệm và thâm niên có thể đạt thu nhập từ 30 đến 40 triệu đồng/tháng.
Cựu sinh viên Trần Văn Hiệp nhận xét, hiện nay, Chính phủ đang tập trung vào lĩnh vực công nghệ cao, vi mạch, mạch tích hợp… trong khi đó ngành Vật lý kỹ thuật chính là nền tảng cho sự phát triển của các lĩnh vực này, đặc biệt là vi mạch. Điều này cho thấy trong tương lai, khi công nghệ ngày càng tiến bộ, cơ hội việc làm cho sinh viên ngành Vật lý kỹ thuật sẽ ngày càng mở rộng hơn.
Anh Hiệp chia sẻ, anh đến với nghiên cứu khoa học chủ yếu vì đam mê, mức lương cơ bản của mình được trả theo hệ số của nhà nước, ngoài ra, việc nghiên cứu ứng dụng cũng sẽ có thêm nguồn thu nhập từ các hợp đồng từ doanh nghiệp bên ngoài, các dự án hay đề tài của nhà nước. Trung bình mức thu nhập hiện tại của mình đang dao động từ 15 - 20 triệu đồng/tháng.
Yếu tố, kỹ năng cần thiết giúp sinh viên ngành Vật lý kỹ thuật phát triển
Theo Phó chủ nhiệm Khoa Vật lý kỹ thuật và Công nghệ nano, để phát triển và thành công lâu dài trong ngành Vật lý kỹ thuật, sinh viên cần có một quá trình học tập, rèn luyện để đạt được các yêu cầu quan trọng về mặt lý thuyết, thực hành và kỹ năng.
Thứ nhất, xây dựng nền tảng Toán học và vật lý cơ bản, cùng với kiến thức chuyên ngành là yếu tố quan trọng để phát triển. Để làm được điều này, đòi hỏi sinh viên có tinh thần học hỏi, cập nhật với những phát triển mới trong lĩnh vực mình theo đuổi, sẵn sàng cập nhật kiến thức mới, tham gia các hội thảo và khóa học chuyên sâu.
Thứ hai là kỹ năng thực hành, thí nghiệm. Sinh viên cần thành thạo trong việc sử dụng các thiết bị và công cụ trong phòng thí nghiệm, cũng như có khả năng thiết kế và tiến hành các thí nghiệm độc lập. Trong nghiên cứu, sinh viên cũng cần tuân thủ các chuẩn mực đạo đức trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học, cũng như có ý thức về trách nhiệm xã hội.
Thứ ba là khả năng làm việc, nghiên cứu và giải quyết vấn đề độc lập. Bên cạnh đó sinh viên cần trau dồi thêm kỹ năng mềm, làm việc theo nhóm, kỹ năng trình bày và viết báo cáo khoa học cũng như xây dựng mạng lưới học thuật.
Ngoại ngữ cũng là một yếu tố không thể thiếu. Sinh viên phải thành thạo ít nhất một ngôn ngữ như tiếng Anh hoặc các ngôn ngữ khác để đọc tài liệu chuyên ngành và giao tiếp quốc tế.
"Phát triển toàn diện các yếu tố trên sẽ giúp sinh viên ngành Vật lý kỹ thuật có nền tảng vững chắc để phát triển sự nghiệp lâu dài và thành công trong lĩnh vực này. Ngoài ra để sinh viên ngành Vật lý kỹ thuật có sự nghiệp và phát triển lâu dài, tôi cũng có lời khuyên và động viên sinh viên ham học tập có thể tiếp tục tham gia chương trình đào tạo Thạc sĩ và Tiến sĩ về Vật liệu và linh kiện nano. Hiện các chương trình đào tạo này được xây dựng với chất lượng ngang bằng với các chương trình đào tạo tiên tiến trên thế giới, đơn cử, chương trình đào tạo thạc sĩ vật liệu của Viện JAIST- Nhật Bản", Tiến sĩ Bùi Đình Tú nói.
Cùng quan điểm, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Laser Công nghiệp cho hay, đối với sinh viên đang ngồi trên ghế nhà trường, tập trung học tập chuyên môn là cực kỳ quan trọng. Sau này, khi làm việc cho các doanh nghiệp hay có ý tưởng khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ kỹ thuật điều, điều quan trọng vẫn là nền tảng vững chắc. Đây là yếu tố cốt lõi để các bạn phát triển, thăng tiến trong công việc hay phát triển công ty, doanh nghiệp của riêng mình.
Sinh viên nên tìm kiếm và tận dụng cơ hội làm việc trực tiếp với các giảng viên hoặc các doanh nghiệp sản xuất. Hiện nay, một số sinh viên thường dành thời gian để làm thêm tuy nhiên, điều này có thể gây lãng phí thời gian nếu không được lựa chọn đúng cách.
"Nếu mong muốn đi làm thêm, kiếm thêm thêm thu nhập phụ giúp gia đình, sinh viên có thể tìm kiếm các công việc liên quan đến lĩnh vực học tập. Điều này sẽ giúp tích lũy kinh nghiệm hữu ích, phù hợp với tương lai nghề nghiệp của các bạn", ông Tâm chia sẻ.
Cựu sinh viên Trần Văn Hiệp cũng cho rằng, sinh viên nên năng động, tích cực tham gia vào nghiên cứu khoa học, từ những nghiên cứu khoa học, bản thân sẽ học hỏi được kinh nghiệm và tiếp xúc được nhiều cơ hội để phát triển cho tương lai.
Theo báo Giáo dục Việt Nam