Hotline: 024 3754 9429   |   

Kỷ niệm 85 năm ngày sinh GS.VS. Nguyễn Văn Hiệu – Nhà Vật lý lỗi lạc

Nhân dịp kỷ niệm 85 năm ngày sinh GS.VS. Nguyễn Văn Hiệu (21/07/1938-21/07/2023), Hội Vật lý Việt Nam phối hợp với các đơn vị trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam gồm Viện Vật lý, Viện Khoa học vật liệu và Trường Đại học Công nghệ – Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức hội thảo GS.VS. Nguyễn Văn Hiệu – Nhà Vật lý lỗi lạc, nhằm tôn vinh những đóng góp và cống hiến của Giáo sư đối với ngành Vật lý Việt Nam nói riêng, nền khoa học và công nghệ Việt Nam nói chung.

Tham dự hội thảo về phía ĐHQGHN có GS.TS. Nguyễn Hữu Đức – nguyên Phó Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và đào tạo Trường ĐH Công nghệ. Về phía Trường ĐH Công nghệ có GS.TSKH Nguyễn Đình Đức – Chủ tịch Hội đồng Trường, GS.TS. Chử Đức Trình – Hiệu trưởng, TS. Nguyễn Anh Thái – Phó Hiệu trưởng, TS. Nguyễn Thu Hương – Phó Hiệu trưởng cùng lãnh đạo và giảng viên Khoa Vật lý kỹ thuật và công nghệ nano. Về phía Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam có  PGS.TS. Trần Tuấn Anh – Ủy viên BCH Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam cùng các nguyên lãnh đạo Viện, Bộ Khoa học và Công nghệ và các trường đại học cùng các nhà khoa học, cán bộ nghiên cứu, giảng dạy từ các đơn vị đồng tổ chức hội thảo. Đặc biệt, hội thảo có sự tham dự của TS. Nguyễn Bích Hà – phu nhân cố GS.VS. Nguyễn Văn Hiệu.

GS. TS. Nguyễn Đại Hưng – Chủ tịch Hội Vật lý Việt Nam

Tại hội thảo, Hội Vật lý Việt Nam đã truy tặng Giải thưởng cống hiến dành cho GS.VS. Nguyễn Văn Hiệu nhằm ghi nhận, tôn vinh những đóng góp của Giáo sư dành cho lĩnh vực Vật lý nói riêng và khoa học công nghệ nói chung. Bên cạnh giải thưởng, Hội Vật lý Việt Nam đã phối hợp với các nhà khoa học, các đơn vị, địa phương trong đó có Trường ĐH Công nghệ để tổ chức sưu tầm tư liệu, biên soạn, xuất bản cuốn sách “GS.VS. Nguyễn Văn Hiệu – Nhà Vật lý lỗi lạc”. Cuốn sách là tập hợp những bài viết của các nhà khoa học, đồng nghiệp, học trò đặc biệt là những bài viết của nhà báo có cơ hội được tâm sự, trao đổi với Giáo sư. Nội dung cuốn sách có giá trị tư liệu và sinh động về các hoạt động đa dạng của GS.VS. Nguyễn Văn Hiệu trên các lĩnh vực nghiên cứu khoa học, giáo dục đào tạo, hợp tác quốc tế, thúc đẩy triển khai ứng dụng nghiên cứu khoa học… GS. TS. Nguyễn Đại Hưng mong muốn: “Cuốn sách như một nén tâm hương của đồng nghiệp, bàn bè và học trò tưởng nhớ, tri ân GS.VS. Nguyễn Văn Hiệu”.

TS. Nguyễn Bích Hà – phu nhân cố GS.VS. Nguyễn Văn Hiệu nhận Giải thưởng cống hiến dành cho GS.VS
GS.TS Chử Đức Trình (ngoài cùng, bên phải ảnh) – Hiệu trưởng Nhà trường nhận cuốn sách “GS.VS. Nguyễn Văn Hiệu – Nhà Vật lý lỗi lạc” do Hội Vật lý Việt Nam trao tặng cho các nhà khoa học, các đơn vị, địa phương đã phối hợp sưu tầm tư liệu, biên soạn, xuất bản cuốn sách

Nhắc đến GS.VS. Nguyễn Văn Hiệu ngoài việc cống hiến cho sự nghiệp khoa học công nghệ nước nhà thì đối với lĩnh vực giáo dục đào tạo, Giáo sư luôn là Nhà giáo truyền lửa say mê cho các thế hệ học trò, tâm huyết với sự nghiệp trồng người. Đặc biệt với Trường ĐH Công nghệ, “Giáo sư là Hiệu trưởng sáng lập là người đặt nền móng, định hình tính triết lý, giá trị cốt lõi và văn hóa hoạt động của Trường”. Đây là lời khẳng định của GS.TS. Chử Đức Trình – Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ khi nhớ về GS.VS. Nguyễn Văn Hiệu. Hiệu trưởng nhấn mạnh: “Mới đó đã gần 25 năm xây dựng và trưởng thành, Trường ĐH Công nghệ hôm nay tiếp bước GS.VS. Nguyễn Văn Hiệu thực hiện sứ mạng: Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao, bồi dưỡng nhân tài; nghiên cứu phát triển và ứng dụng các lĩnh vực khoa học – công nghệ tiên tiến; tiên phong tiếp cận chuẩn mực giáo dục đại học khu vực và thế giới, đóng góp tích cực vào sự phát triển nền kinh tế và xã hội tri thức của đất nước”. Với những quyết sách sáng tạo, uy tín, quản trị và tầm nhìn xa, GS.VS. Nguyễn Văn Đạo và GS.VS. Nguyễn Văn Hiệu đã thành lập Trường ĐH Công nghệ vào năm 2004. GS.VS. Nguyễn Văn Hiệu trở thành Hiệu trưởng sáng lập Nhà trường, với tấm lòng vì sự nghiệp giáo dục đào tạo đã gửi gắm vào sự ra đời của Trường ĐH Công nghệ, thông qua cụm từ “Bồi dưỡng nhân tài” – được thể hiện trong Quyết định thành lập Trường. Đây là niềm vinh dự của cán bộ Nhà trường và kể từ đó sứ mệnh bồi dưỡng nhân tài là niềm tự hào của cán bộ, kim chỉ nam của nhiều thế hệ giảng viên, sinh viên trong xây dựng Trường.

GS.TS. Chử Đức Trình – Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ

 

Kế thừa những hoạt động bồi dưỡng nhân tài từ bậc phổ thông (cho học sinh chuyên Tin, Vật lý, Toán học) cho đến bậc đại học, sau đại học, đến nay Trường ĐH Công nghệ đã thu hút được nhiều cán bộ khoa học, giảng viên được đào tạo trong nước và quốc tế, thông qua chính sách thu hút, bồi dưỡng cán bộ đầu đàn, đầu ngành. Nhất là vào thời điểm đó, chính sách cán bộ tạo nguồn là cơ sở, nền tảng chúng tôi có thành tựu khoa học công nghệ và đào tạo hiện nay.

Giáo sư đã mở ra nhiều lĩnh vực nghiên cứu và đào tạo mới về Khoa học Công nghệ chưa từng có tại Trường Đại học Tổng hợp trước đây và ĐHQGHN đương thời, bên cạnh những lĩnh vực thế mạnh Khoa học Cơ bản về Tự nhiên, Xã hội và Nhân văn truyền thống khác. Thầy đã xây dựng và xác lập tầm nhìn chiến lược và sứ mệnh của Trường ĐH Công nghệ “lấy Khoa học Cơ bản mạnh mẽ làm nền tảng vững chắc để phát triển các ngành và lĩnh vực khoa học công nghệ hiện đại của Thế kỷ 21 theo hướng Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Công nghệ Nano, Công nghệ Sinh học và Tự động hóa”. Cho đến nay, Nhà trường đang từng bước hoàn thiện và phát triển định hướng nghiên cứu, triển khai một số lĩnh vực mới trên cơ cơ sở phát huy thế mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông gồm công nghệ nông nghiệp, công nghệ hàng không vũ trụ, công nghệ xây dựng – giao thông. Với uy tín khoa học, tầm nhìn xa Giáo sư đã thiết lập mối quan hệ mật thiết tích hợp sâu sắc nghiên cứu và giảng dạy giữa Trường ĐH Công nghệ và các Viện nghiên cứu chuyên ngành của Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam cũng như các doanh nghiệp công nghiệp tiên tiến như IMI, Viện Điện tử Tin học Việt Nam, Viettel, v.v… Đến nay Trường tự hào khi thành công trong mô hình Trường – Viện – Doanh nghiệp, điển hình là mô hình phối thuộc giữa Khoa Cơ học kỹ thuật và tự động hóa với Viện Cơ học (Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam) và Viện Máy và dụng cụ công nghiệp, tiếp nối thành công của mô hình này Nhà trường mở rộng hợp tác một số đơn vị như Viện Công nghệ Hàng không vũ trụ hợp tác với Tập đoàn Công nghiệp viễn thông – quân đội Viettel, một số ngành đào tạo hợp tác với Samsung, LG”.

Cuối cùng, GS.TS. Chử Đức Trình bày tỏ sự tri ân, lòng kính trọng đối với GS.VS. Nguyễn Văn Hiệu thông qua việc tiếp nối nhiệt huyết, tấm lòng cao cả vì sự nghiệp giáo dục của Thầy, Nhà trường sẽ quyết tâm đồng lòng, đoàn kết vun đắp phát triển giá trị cốt lõi: “Đổi mới sáng tạo, Hợp tác, Chất lượng cao, Nhân văn”, để đưa Trường ĐH Công nghệ: “Trở thành một trường đại học kỹ thuật công nghệ hàng đầu trong nước, nằm trong nhóm các trường đại học tiên tiến ở Châu Á; một trung tâm xuất sắc, đi đầu trong đào tạo tài năng, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ” và cam kết thời gian tới phát triển bền vững, luôn thực hiện trách nhiệm xã hội, quốc gia và từng bước hoàn thiện tâm huyết của GS.VS. Nguyễn Văn Hiệu.

Tại hội thảo các đại biểu còn lắng nghe nhiều câu chuyện, kỷ niệm từ chính các đồng nghiệp, học trò của GS.VS. Nguyễn Văn Hiệu – Nhà khoa học xuất chúng, Nhà giáo truyền cảm hứng, Nhà khoa học không ngừng khát vọng ứng dụng khoa học và công nghệ. Khi nhắc đến những đóng góp của GS. VS. Nguyễn Văn Hiệu trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, GS.TS. Nguyễn Hữu Đức – nguyên Phó Giám đốc ĐHQGHN, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Trường ĐH Công nghệ, là một trong những thành viên của Ban biên tập cuốn kỷ yếu “GS.VS. Nguyễn Văn Hiệu – Nhà Vật lý lỗi lạc” đã nói đến ý nghĩa của việc sắp xếp các bài viết trong phần “Nhà giáo truyền lửa say mê cho các thế hệ học trò, tâm huyết với sự nghiệp giáo dục và đào tạo” với sự bắt đầu bài viết của GS. TS. Bạch Thành Công – Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, là địa điểm đầu tiên nơi GS.VS. Nguyễn Văn Hiệu công tác từ năm 1956 và bài viết kết thúc là Trường ĐH Công nghệ – nơi cuối cùng Giáo sư kết thúc hành trình quản lý, bắt đầu hành trình mới. Để tri ân những đóng góp của GS. VS. Nguyễn Văn Hiệu đối với Trường ĐH Công nghệ, GS.TS. Nguyễn Hữu Đức nhấn mạnh: “Danh hiệu Nhà giáo Nhân dân – danh hiệu cuối cùng Giáo sư nhận và cũng là sự kính trọng, tri ân của các cán bộ, giảng viên Nhà trường muốn dành cho Giáo sư, một nhà khoa học vĩ đại, khiêm tốn hết mực. Đồng thời là một tấm gương cao cả trong cộng đồng các nhà khoa học. Điều này được thể hiện qua các bài viết của nhiều nhà khoa khoa học trong các lĩnh vực khác nhau như công nghệ thông tin, điện tử viễn thông nhắc đến GS.VS. Nguyễn Văn Hiệu thông qua kỷ yếu”.

 

GS.TS. Nguyễn Hữu Đức – nguyên Phó Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và đào tạo Trường ĐH Công nghệ

Hội thảo đã kết thúc thành công, nhưng những thành tựu và sự nghiệp vĩ đại về khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo của GS.VS. Nguyễn Văn Hiệu vẫn còn mãi với thời gian và được lưu truyền đến nhiều thế hệ nhà khoa học trẻ, giảng viên trẻ ngày nay.

 

Ban lãnh đạo Trường ĐH Công nghệ và các giảng viên Khoa Vật lý kỹ thuật & Công nghệ Nano tham dự hội thảo

Theo UET-News

Lượt xem: 59
Tin liên quan
Bình chọn
Bạn yêu thích lĩnh vực nào?
Thống kê truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 0
Hôm nay : 2.745
Hôm qua : 2.668
Năm 2024 : 33.447
Đối tác