Hotline: 024 3754 9429   |   

Lựa chọn ngành Kỹ thuật năng lượng: Bước đệm trở thành công dân toàn cầu, nâng tầm sự nghiệp

Ngày nay, nhu cầu về năng lượng của thế giới liên tục tăng cao, việc tìm ra các nguồn năng lượng mới thay thế và hỗ trợ cho nguồn năng lượng truyền thống, quản lý và sử dụng chúng hiệu quả là một vấn đề vô cùng cấp thiết của xã hội. Do đó, ngành Kỹ thuật năng lượng được biết đến như một “chìa khóa vàng”, xua tan nỗi trăn trở khi cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, tham gia vào công cuộc chế tạo, vân hành và phát triển khoa học công nghệ năng lượng. Các sĩ tử nếu đang băn khoăn lựa chọn một ngành học hướng tới xu thế của thời đại, trở thành công dân toàn cầu với sự nghiệp rộng mở, hãy tham khảo ngay ngành Kỹ thuật năng lượng đầy hấp dẫn này nhé!

Kỹ thuật năng lượng – Ngành học “hot” tại nhiều quốc gia

 

Kỹ thuật năng lượng là một lĩnh vực rộng lớn của kỹ thuật, dựa trên sự kết hợp kiến ​​thức từ các lĩnh vực khoa học cơ bản như vật lý, toán học và hóa học với thực tiễn kinh tế và kỹ thuật môi trường nhằm giải quyết các vấn đền liên quan đến hiệu suất năng lượng, dịch vụ năng lượng, quản lý cơ sở, phù hợp môi trường, năng lượng bền vững và năng lượng tái tạo…

Ngành Kỹ thuật năng lượng là một trong những ngành học được ưa chuộng tại nhiều quốc gia phát triển trên thế giới như Mỹ, Úc, Canada, Singapore, Nhật Bản… Tại Việt Nam, ngành này cũng đang thu hút giới trẻ bởi cơ hội nghề nghiệp đa dạng, mức lương hấp dẫn.

 

Ngành Kỹ thuật năng lượng đang là xu thế phát triển của nhiều Quốc gia, trong đó có Việt Nam.

    Là một nước đang phát triển, có nhiều lợi thế cạnh tranh, GDP Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng khoảng 6% hàng năm trong dài hạn. Sản lượng điện năng được dự báo sẽ tăng trưởng cao hơn khoảng 3% so với GDP nói chung, khoảng 8% – 10% hàng năm theo Quy hoạch điện VIII (QHĐ8). Trong đó, một số phân khúc được kỳ vọng sẽ có mức tăng trưởng cao hơn như năng lượng tái tạo (không bao gồm thủy điện). Bởi Việt Nam có một lợi thế là các nguồn năng lượng mặt trời, gió, sinh khối khá dồi dào. Các nghiên cứu cho thấy việc khai thác hiệu quả các nguồn năng lượng mới, tái tạo (năng lượng không truyền thống/năng lượng xanh) trên cơ sở thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên ở nước ta là hoàn toàn khả thi và sẽ góp phần tích cực vào việc thực hiện các chính sách về phát triển các nguồn năng lượng ở Việt Nam. Do vậy, việc đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển dài hạn ngành năng lượng, phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.

   Chương trình đào tạo Ngành Kỹ thuật năng lượng tại Trường Đại học Công nghệ (UET) – ĐHQGHN trang bị đầy đủ các kiến thức liên quan tới toàn bộ quá trình sản xuất, tích trữ và biến đổi của nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo, phân phối và sử dụng các nguồn năng lượng an toàn và hiệu quả. Chương trình cũng cung cấp các kiến thức chuyên sâu về các nguồn năng lượng, cấu tạo và nguyên lý hoạt động của các thiết bị chuyển đổi năng lượng, các phương pháp và vật liệu tiên tiến được sử dụng để chế tạo các thiết bị chuyển đổi năng lượng… Do đó, các kỹ sư tốt nghiệp chương trình đào tạo Ngành Kỹ thuật năng lượng tại Trường Đại học Công nghệ – ĐHQGHN không chỉ có khả năng thiết kế, lắp đặt, vận hành, quản lý các hệ thống năng lượng sẵn có mà còn có khả năng chế tạo, phát triển các thiết bị chuyển đổi, tích trữ năng lượng dựa trên các hiệu ứng, hiện tượng mới. Chính vì vậy, chương trình đào tạo Ngành Kỹ thuật năng lượng tại Trường Đại học Công nghệ – ĐHQGHN sẽ đào tạo ra các kỹ sư năng lượng có trình độ cao phù hợp với yêu cầu của xã hội, có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế, có khả năng sáng tạo trong môi trường cạnh tranh cao.

    UET – “Điểm đến” lý tưởng cho các sinh viên đam mê Kỹ thuật năng lượng

   Với vị thế và thương hiệu là một trong những cơ sở giáo dục hàng đầu trong lĩnh vực Khoa học – Công nghệ tại Việt Nam, Trường Đại học Công nghệ – ĐHQGHN luôn hướng đến “người học là trung tâm”, nỗ lực mang tới môi trường đào tạo chất lượng cao, thúc đẩy tư duy, sáng tạo; Cơ sở vật chất hiện đại, cùng đội ngũ giảng viên là những chuyên gia đầu ngành giàu chuyên môn, kinh nghiệm. Hiện nay, để phục vụ sinh viên theo học ngành Kỹ thuật năng lượng, Trường Đại học Công nghệ đã đầu tư phòng thí nghiệm kỹ thuật năng lượng với nhiều trang thiết bị hiện đại mô phỏng các hệ thống năng lượng công nghiệp thực tế như nhà máy điện mặt trời, nhà máy điện gió, hệ thống sản xuất cồn và khí sinh học, các hệ thống chuyển đổi quang năng thành nhiệt năng…; Trường cũng mời các chuyên gia, giảng viên tại các cơ sở nghiên cứu, đào tạo lớn về năng lượng tới tham gia giảng dạy, như Trường Đại học Điện lực, Viện Năng lượng thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam…; Ngoài ra nhà trường cũng ký kết hợp tác với nhiều công ty, tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực năng lượng như CTCP VEST, CTCP PV Solar, Tập đoàn điện lực Việt Nam… nhằm cung cấp các địa điểm thực hiện đồ án, thực hành/thực tập cho sinh viên theo học ngành Kỹ thuật năng lượng tại trường.

 

Sinh viên ngành Kỹ thuật năng lượng thực tập tại phòng thí nghiệm của nhà trường.

Sinh viên ngành Kỹ thuật năng lượng thực tập tại doanh nghiệp, công trường.

 

Bên cạnh các học phần liên quan tới ngành Kỹ thuật năng lượng như Khoa học vật liệu đại cương, Các nguyên lý cơ bản trong hóa học, Mô hình hóa và mô phỏng các hệ thống năng lượng, Vật lý bán dẫn và linh kiện, Cơ sở công nghệ năng lượng, Năng lượng tái tạo, Thực hành công nghiệp kỹ thuật năng lương…, sinh viên sẽ được đào tạo các kiến thức chuyên sâu liên quan tới Năng lượng mặt trời, Biến đổi và tích trữ các nguồn năng lượng mới, Quản lý và an toàn năng lượng. Vì vậy, sau khi tốt nghiệp, sinh viên sẽ có đầy đủ kiến thức và kỹ năng:

   – Để thiết kế, chế tạo các tấm pin năng lượng mặt trời theo yêu cầu; mô phỏng các hệ thống năng lượng điện mặt trời; tư vấn lắp đặt, lắp đặt, đấu nối và vận hành các hệ thống năng lượng điện mặt trời.

   – Để nghiên cứu chế tạo, phân tích các loại vật liệu mới nhằm phát triển các bộ tích trữ năng lượng kiểu mới (nhỏ gọn, nhẹ, dung lượng lớn, tuổi thọ cao…), các thiết bị chuyển đổi năng lượng dựa trên các hiệu ứng, hiện tượng mới (các thiết bị chuyển đổi năng lượng nhiệt / năng lượng sóng điện từ / năng lượng dao động / năng lượng ma sát… thành điện)

   – Để điều hành, quản lý việc sử dụng và phân phối các nguồn năng lượng hiệu quả, tư vấn các chính sách về năng lượng cho các công ty, chính quyền các cấp…

 

Hình ảnh các kiến thức định hướng chuyên sâu của Chương trình đào tạo Kỹ thuật năng lượng tại Trường Đại học Công nghệ.

Các học phần, kiến thức và tiến trình đào tạo ngành Kỹ thuật năng lượng của Trường Đại học Công nghệ đã nhận được sự ghi nhận, đánh giá cao của các chuyên gia, nhà khoa học hoạt động trong lĩnh vực năng lượng do có tính ứng dụng thực tiễn cao, khối lượng kiến thức xuyên suốt và bao hàm toàn bộ quá trình sản xuất, biến đổi, tích trữ, sử dụng và quản lý các nguồn năng lượng. Với các kiến thức đã được trang bị, người học sau khi tốt nghiệp chương trình đào tạo hoàn toàn có thể hiểu được nguyên lý hoạt động thực sự, cấu tạo chi tiết của các thiết bị, hệ thống chuyển đổi, tích trữ năng lượng. Ngoài ra, người học cũng có các kiến thức về hệ thống điện nói chung, và việc chuyển đổi các nguồn năng lượng thành điện và đấu nối vào hệ thống điện.

   Một điểm đặc sắc nữa của chương trình đào tạo Kỹ thuật năng lượng là gồm các kiến thức định hướng chuyên sâu xuyên suốt của toàn bộ hệ thống năng lượng từ việc sản xuất, phát triển các nguồn năng lượng mới, cho tới việc biến đổi và tích trữ các nguồn năng lượng thành các dạng và trữ lượng mong muốn, và cuối cùng là việc sử dụng, điều phối, quản lý các nguồn năng lượng một cách hiệu quả, an toàn đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và thúc đẩy phát triển kinh tế. Kết quả là chương trình đào tạo Kỹ thuật năng lượng đảm bảo có sự khác biệt tối thiểu 30% về kiến thức và kỹ năng chuyên môn so với các chương trình đào tạo liên quan tới năng lượng của các cơ sở giáo dục khác ở trong nước.

   Sinh viên theo học ngành Kỹ thuật năng lượng tại Trường Đại học Công nghệ cũng được tham gia các cuộc thi lớn, các hội thảo trong và ngoài nước liên quan tới Vật lý, Khoa học vật liệu, Công nghệ nano, Năng lượng…Ở đó, sinh viên được thỏa sức sáng tạo, theo đuổi đam mê nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi từ thầy cô, bạn bè và tỏa sáng trên đấu trường tri thức. Từ đó, phát triển các cơ hội thực tập, du học, làm việc tại các trường/viện nghiên cứu lớn trong và ngoài nước trong lĩnh vực năng lượng và các lĩnh vực liên quan.

Sinh viên ngành Kỹ thuật Năng lượng tham gia các kỳ thi Vật lý, Khởi nghiệp.

Sinh viên ngành Kỹ thuật Năng lượng tham dự hội thảo tại doanh nghiệp.

Không chỉ vậy, sinh viên theo học ngành này còn có nhiều cơ hội giành được các học bổng giá trị đến từ các Nhà tài trợ lớn như Học bổng Vallet 20 triệu VNĐ; Học bổng LG Display 35 triệu VNĐ/năm; Học bổng Appendix 35 triệu VNĐ/năm, Học bổng của tập đoàn điện lực 10 triệu VNĐ/năm… và Học bổng khuyến khích học tập. Đây là một trong những lợi thế rất lớn cho các sinh viên, đồng thời là nguồn động lực để các bạn quyết tâm, bứt phá trên con đường học tập, nghiên cứu.

Sinh viên ngành Kỹ thuật năng lượng nhận học bổng.

Sự nghiệp xán lạn với tấm bằng Kỹ sư Kỹ thuật năng lượng

   Theo dự báo, nhu cầu tuyển dụng các Kỹ sư, Chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng sẽ tăng mạnh trong giai đoạn 2020 – 2030, điển hình như: Nhu cầu về Kỹ sư bảo trì động cơ điện gió sẽ tăng 68.2%; Nhu cầu về Kỹ sư thiết kế, lắp đặt hệ thống pin mặt trời sẽ tăng 52.1%; Nhu cầu về Chuyên gia đào tạo về hệ thống năng lượng xanh sẽ tăng 10.8%… Cụ thể hơn, Việt Nam sẽ có khoảng 315,000 việc làm mỗi năm tại các đơn vị sản xuất điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối trong giai đoạn đến năm 2030. Đây là những tín hiệu tích cực cho thấy cơ hội việc làm về lĩnh vực Kỹ thuật năng lượng còn tiếp tục mở rộng hơn nữa cho các tân kỹ sư tương lai.

    Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể đảm nhiệm các vị trí công việc đa dạng như:

   + Cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật, chuyên viên triển khai trong các tập đoàn hoạt động liên quan đến năng lượng như: năng lượng mặt trời, gió, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, năng lượng truyền thống…

   + Cán bộ tại các trung tâm/phòng nghiên cứu và phát triển, chuyển giao và ứng dụng công nghệ trong các tập đoàn, công ty trong và ngoài nước liên quan đến năng lượng.

   + Quản lý, giám sát các vấn đề kỹ thuật liên quan đến năng lượng điện trong các dự án xây dựng.

   + Giảng viên và nghiên cứu viên tại các trường đại học và Viện nghiên cứu trong nước, quốc tế.

   Hành trang tri thức tích lũy được từ Trường Đại học Công nghệ chắc chắn sẽ trở thành nền tảng vững chắc cho mỗi sinh viên phát triển trên con đường sự nghiệp của mình, đồng thời, tự tin trở thành “công dân toàn cầu” hội nhập trong môi trường quốc tế, đóng góp công sức vào sự phát triển chung của lĩnh vực Kỹ thuật năng lượng tại Việt Nam, cũng như trên thế giới.

   Thông tin tuyển sinh Ngành Kỹ thuật năng lượng

   Trở thành Tân sinh viên Ngành Kỹ thuật năng lượng tại Trường Đại học Công nghệ ngay hôm nay, để thụ hưởng môi trường đào tạo chất lượng hàng đầu Việt Nam, phát triển toàn diện tư duy, năng lực và mở rộng sự nghiệp tương lai với muôn vàn cơ hội việc làm hấp dẫn!

  • Nội dung chương trình đào tạo, xem chi tiết TẠI ĐÂY
  • Thông tin tuyển sinh Kỹ sư Kỹ thuật năng lượng thuộc Khoa Vật lý kỹ thuật và công nghệ nano, Trường ĐH Công nghệ, ĐHQGHN:

– Tên ngành đào tạo:

+ Tiếng Việt: Kỹ thuật năng lượng

+ Tiếng Anh: Energy Engineering

– Mã trường: QHI

– Danh hiệu tốt nghiệp: Kỹ sư

– Thời gian đào tạo: 4,5 năm

– Chỉ tiêu tuyển sinh (dự kiến): 60 sinh viên

– Phương thức tuyển sinh:

(1) Xét tuyển theo kết quả bài thi tốt nghiệp THPT năm 2023  theo tổ hợp: A00, A01;

(2) Xét tuyển theo chứng chỉ tiếng Anh quốc tế (IELTS, TOEFL) kết hợp với điểm 2 môn thi Toán và Vật lý trong kỳ thi THPT năm 2023;

(3) Xét tuyển kết quả thi ĐGNL (HSA) năm 2023 do ĐHQGHN tổ chức;

(4) Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển.

Chi tiết tại website:

http://tuyensinh.uet.vnu.edu.vn

http://fepn.uet.vnu.edu.vn/tuyen-sinh

Lượt xem: 47
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Bình chọn
Bạn yêu thích lĩnh vực nào?
Thống kê truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 0
Hôm nay : 2.788
Hôm qua : 2.744
Năm 2025 : 29.010
Đối tác