Hotline: 024 3754 9429   |   

Hội thảo góp ý chương trình đào tạo bậc đại học ngành Công nghệ Vật liệu và Vi điện tử

Ngày 21/10/2024, Trường Đại học Công nghệ – Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU-UET) tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về chuẩn đầu ra và khung chương trình đào tạo đại học ngành Công nghệ Vật liệu và Vi điện tử bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Tham dự hội thảo có GS.TS. Chử Đức Trình - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ, TS Nguyễn Thu Hương - Phó Hiệu trưởng, TS. Bùi Đình Tú – Phụ trách Khoa Vật lý kỹ thuật và Công nghệ nano, PGS.TS. Đỗ Thị Hương Giang - Phó chủ nhiệm Khoa, cùng các chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ vật liệu, vi điện tử trong và ngoài trường.

Phát biểu khai mạc, GS.TS Chử Đức Trình – Hiệu trưởng Nhà trường gửi lời cảm ơn đến các chuyên gia, giảng viên đã tham gia hội thảo lần này và khẳng định tầm quan trọng của hội thảo nhằm lấy ý kiến, tham vấn, góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học và giảng viên đối với công tác xây dựng mở mới ngành Công nghệ vật liệu và Vi điện tử. Trải qua 20 năm phát triển, Trường Đại học Công nghệ hiện nay có 18 chương trình đào tạo đại học với quy mô gần 10.000 sinh viên. Năm 2023, Nhà trường đã ban hành chiến lược phát triển Trường đến năm 2030, tầm nhìn 2045 với sứ mạng duy trì vị thế một trường đại học kỹ thuật công nghệ hàng đầu trong nước, nằm trong nhóm các trường đại học tiên tiến ở Châu Á. Để đạt mục tiêu này, Nhà trường xác định trọng tâm mở rộng quy mô đào tạo, xây dựng và mở mới các ngành đào tạo là trụ cột của công nghiệp hóa như bán dẫn, vi mạch, cơ khí, chế tạo máy… đồng thời phát triển nhanh các ngành phục vụ cách mạng công nghiệp 4.0 dựa trên các ngành cốt lõi, truyền thống và thế mạnh của Trường.

GS.TS. Chử Đức Trình - Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ

Theo GS.TS. Chử Đức Trình, hiện tại Khoa Vật lý kỹ thuật và Công nghệ nano có 02 ngành đào tạo gồm Vật lý kỹ thuật; Kỹ thuật năng lượng và GS.TS. Chử Đức Trình nhấn mạnh việc xây dựng và phát triển ngành Công nghệ Vật liệu và Vi điện tử là một trong những nhiệm vụ cụ thể hóa nhằm đạt mục tiêu chiến lược phát triển và đáp ứng yêu cầu của xã hội. Kế thừa thành công trong việc mở mới và đào tạo các chương trình đào tạo như ngành Kỹ thuật năng lượng, Công nghệ nông nghiệp, Công nghệ hàng không vũ trụ, Công nghệ kỹ thuật – xây dựng, Trí tuệ nhân tạo, Thiết kế công nghiệp và đồ họa, với sự đồng ý của ĐHQGHN, Nhà trường đã xây dựng kế hoạch phát triển và mở mới 3 ngành đào tạo trong thời gian tới gồm Công nghệ vật liệu và vi điện tử, Khoa học dữ liệu, Công nghệ sinh học.

Đại diện tổ công tác xây dựng Đề án mở chương trình đào tạo bậc đại học ngành Công nghệ Vật liệu và Vi điện tử, TS. Bùi Đình Tú – Phụ trách Khoa Vật lý kỹ thuật và Công nghệ nano đã trình bày tóm tắt về chương trình đào tạo bậc đại học ngành Công nghệ Vật liệu và Vi điện tử. Trong phần trình bày, TS. Bùi Đình Tú chia sẻ giai đoạn 2024-2030 quy mô doanh thu công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam đạt trên 50 tỷ USD/năm, giá trị gia tăng tại Việt Nam đạt từ 15-20%; quy mô doanh thu công nghiệp điện tử tại Việt Nam đạt trên 485 tỷ USD/năm, giá trị gia tăng tại Việt Nam đạt từ 15-20%. Ngành Công nghệ Vật liệu và Vi điện Ngành là một lĩnh vực khoa học kỹ thuật liên quan đến việc nghiên cứu, phát triển và ứng dụng các loại vật liệu tiên tiến và vi điện tử trong các hệ thống công nghệ hiện đại, ngành học không chỉ cung cấp kiến thức nền tảng về các lĩnh vực vật liệu và vi điện tử, mà còn giúp sinh viên phát triển kỹ năng nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ mới trong sản xuất, chế tạo, và phát triển sản phẩm công nghệ cao. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể làm việc trong nhiều lĩnh vực như sản xuất chất bán dẫn, năng lượng tái tạo, và thiết bị y tế. Những nội dung tiếp theo được TS. Bùi Đình Tú nhắc đến gồm nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực công nghệ vật liệu và vi điện tử hiện nay với các vị trí công việc hấp dẫn; xu thế, mục tiêu đào tạo; chuẩn đầu ra kiến thức, kỹ năng về lĩnh vực cần thiết; khung chương trình đào tạo và so sánh với các chương trình đào tạo của các trường đại học trong nước và quốc tế.

TS. Bùi Đình Tú - Phụ trách Khoa VLKT&CNNN trình bày CTĐT ngành Công nghệ vật liệu và Vi điện tử

Sau phần trình bày về chương trình đào tạo Công nghệ Vật liệu và Vi điện tử, các đại biểu đã đánh giá cao chương trình đào tạo. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đưa ra ý kiến đóng góp, đề xuất tâm huyết dựa trên các cơ sở khoa học, các hoạt động thực tiễn trong quản lý, tổ chức, đào tạo trong lĩnh vực Vật liệu và vi điện tử để hoàn thiện chương trình. Các ý kiến tập trung vào điều chỉnh các môn học phù hợp và tạo ra sự khác biệt để thu hút người học, các nội dung quan tâm đến chương trình thực hành thực tập của sinh viên, tuyển dụng cán bộ trình độ cao, đầu tư trang thiết bị cơ sở vật chất phục vụ thực hành thực tập và nghiên cứu của sinh viên. Các chuẩn đầu ra khung chương trình đào tạo cần gắn với đổi mới sáng tạo, bám sát nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp và  khởi nghiệp phù hợp với xu thế phát triển của xã hội; một số góp ý trao đổi tổ soạn thảo nghiên cứu bám sát vào Quyết định số 1017/QĐ-TTg ngày 21/9/2024 phê duyệt Chương trình "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050".

TS. Nguyễn Thu Hương - Phó Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu chia sẻ tại hội thảo

 

Hội thảo kết thúc thành công và ghi nhận được nhiều ý kiến đóng góp hữu ích, những góc nhìn toàn diện tới từ các chuyên gia, nhà khoa học và thầy cô trong lĩnh vực công nghệ vật liệu, vi điện tử. Trong thời gian tới, Trường ĐH Công nghệ sẽ tiến hành điều chỉnh khung chương trình và chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo hướng tới mục tiêu đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội với đầy đủ phẩm chất, kỹ năng của một công dân toàn cầu.

Một số hình ảnh các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực khoa học dữ liệu đóng góp ý kiến tại Hội thảo:

 

 

 

 

 

Lượt xem: 11
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Bình chọn
Bạn yêu thích lĩnh vực nào?
Thống kê truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 0
Hôm nay : 2.735
Hôm qua : 2.718
Năm 2024 : 37.810
Đối tác