Tuyển sinh ĐHCQ năm 2022: Nhiều chính sách hấp dẫn tạo động lực phát triển
Năm 2022, ĐHQGHN tiếp tục sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển đại học. Đồng thời, mở rộng quy mô tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực học sinh THPT (HSA) và dành ít nhất 20% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển này đối với các ngành/chương trình đào tạo tài năng, chất lượng cao có điểm tuyển sinh cao trên 26 điểm. Đặc biệt, trong năm học tới, ĐHQGHN sẽ triển khai thí điểm chương trình học bổng dành cho sinh viên của 18 ngành khoa học cơ bản.
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức – Trưởng ban Đào tạo, Phó trưởng Ban Chỉ đạo tuyển sinh đã chia sẻ về những điểm mới trong tuyển sinh đại học chính quy năm 2022 của ĐHQGHN.
– Thưa GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, xin ông cho biết một vài nét cơ bản về phương án tuyển sinh năm 2022 của ĐHQGHN?
Về cơ bản, các phương thức tuyển sinh của ĐHQGHN vẫn được giữ ổn định như năm 2021 trên nguyên tắc đảm bảo chất lượng đầu vào và chúng tôi luôn xác định đây là tiêu chí hàng đầu của ĐHQGHN.
Đồng thời, nhằm thu hút được nhiều thí sinh giỏi, nâng cao chất lượng đầu vào, tăng cường hội nhập quốc tế, ĐHQGHN sẽ mở rộng tỷ lệ xét tuyển theo kết quả bài thi đánh giá năng lực (ĐGNL), mở rộng quy mô tổ chức các kỳ thi ĐGNL của ĐHQGHN – dành nhiều hơn chỉ tiêu cho phương thức này để xét tuyển đại học trong năm 2022.
Dự kiến, năm 2022, ĐHQGHN có 13.150 chỉ tiêu tuyển sinh cho 143 ngành/chương trình đào tạo, trong đó có 08 ngành mới đáp ứng xu thế của thị trường nhân lực sẽ bắt đầu tổ chức tuyển sinh và đào tạo.
Các phương thức xét tuyển tương tự năm 2021, bao gồm:
(1) Xét tuyển thẳng theo Quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Quy định đặc thù trong đào tạo bậc THPT chuyên của ĐHQGHN và Hướng dẫn tuyển sinh đại học chính quy năm 2022 của ĐHQGHN;
(2) Xét tuyển thí sinh có kết quả kỳ thi THPT năm 2022 đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do ĐHQGHN quy định;
(3) Xét tuyển thí sinh sử dụng kết quả kỳ thi ĐGNL do ĐHQGHN tổ chức năm 2022 đạt tối thiểu 80/150 điểm trở lên (đối với một số ngành khối sức khỏe: Y khoa, Răng – Hàm – Mặt, Dược học, ngưỡng đảm bảo chất lượng đạt tối thiểu 100 điểm) và năm 2022 ĐHQGHN tăng, dành tối thiểu 20% chỉ tiêu cho phương thức này.
(4) Xét tuyển theo các phương thức khác
(i) Thí sinh có chứng chỉ quốc tế của Trung tâm Khảo thí Đại học Cambridge, Anh (gọi tắt là chứng chỉ A-Level): Thí sinh sử dụng chứng chỉ A-Level có kết quả 3 môn thi trong đó bắt buộc có môn Toán hoặc Ngữ văn theo các tổ hợp quy định của ngành đào tạo tương ứng đảm bảo mức điểm mỗi môn thi đạt từ 60/100 điểm trở lên (tương ứng điểm C, PUM range ≥ 60).
(ii) Thí sinh có kết quả trong kỳ thi chuẩn hóa SAT (Scholastic Assessment Test, Hoa Kỳ) đạt điểm từ 1100/1600 trở lên. Mã đăng ký của ĐHQGHN với tổ chức thi SAT (The College Board) là 7853-Vietnam National University-Hanoi
(iii) Thí sinh có kết quả trong kỳ thi chuẩn hóa ACT (American College Testing) đạt điểm từ 22/36.
(iv) Xét tuyển kết hợp: Thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh IELTS từ 5.5 trở lên hoặc các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế tương đương (quy định trong Phụ lục 1 Hướng dẫn số 1365/ĐHQGHN-ĐT) hoặc các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế khác (quy định tại Phụ lục 2 Hướng dẫn số 1365/ĐHQGHN-ĐT) và đáp ứng một trong các điều kiện sau:
– Có điểm trung bình chung học tập bậc trung học phổ thông (THPT) của 2 môn còn lại trong tổ hợp xét tuyển (trong đó bắt buộc có môn Toán hoặc môn Ngữ văn) đạt từ 8,0 trở lên, từng kỳ không có môn nào dưới 7,0 và đạt phỏng vấn của Hội đồng tuyển sinh;
– Tổng điểm 2 môn còn lại trong tổ hợp xét tuyển đạt tối thiểu 14 điểm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 (trong đó bắt buộc có môn Toán hoặc môn Ngữ văn, riêng khối ngành sức khỏe: ngành Y khoa, Dược học, Răng – Hàm – Mặt, điểm 2 môn còn lại trong tổ hợp xét tuyển đạt tối thiểu 16 điểm).
Đối với một số ngành đào tạo bác sĩ, dược sĩ và các ngành đào tạo đang thu hút cạnh tranh cao, ưu tiên xét tuyển những thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh IETLS từ 6.5 trở lên kết hợp với các môn chuyên môn (điểm trung bình chung học tập bậc THPT của 2 môn còn lại trong tổ hợp xét tuyển (trong đó bắt buộc có môn Toán hoặc môn Ngữ văn) đạt từ 8,5 trở lên và từng kỳ không có môn nào dưới 8,0.
Các chứng chỉ quốc tế phải còn hạn sử dụng tính đến ngày đăng ký xét tuyển (thời hạn sử dụng 02 năm kể từ ngày dự thi).
Thí sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển theo phương thức xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển và xét tuyển theo phương thức khác (ĐGNL, SAT, ACT, A-level, IELTS kết hợp với điểm học tập bậc THPT hoặc điểm thi tốt nghiệp THPT,..) trước ngày 15/7/2022 theo Hướng dẫn của các Trường/Khoa thuộc ĐHQGHN.
Điểm tôi muốn nhấn mạnh là việc xét tuyển đối với các chương trình đào tạo chất lượng cao hầu hết sử dụng tổ hợp xét tuyển có môn Ngoại ngữ. Đối với số ít tổ hợp không có môn Ngoại ngữ thì Ngoại ngữ sẽ là môn điều kiện (thí sinh phải đạt điểm ngoại ngữ tối thiểu từ 6.0 trở lên hoặc kết quả học tập từng kỳ môn Ngoại ngữ bậc THPT đạt tối thiểu 7.0 điểm hoặc các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế tương đương có trong danh mục quy định của ĐHQGHN) nhằm đảm bảo năng lực ngoại ngữ cần thiết để thí sinh có thể theo học các chương trình này và đáp ứng vị trí việc làm trình độ quốc tế sau khi tốt nghiệp.
Bên cạnh việc thực hiện tốt công tác tuyển sinh trong nước, ĐHQGHN tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động trao đổi sinh viên quốc tế, thu hút các thí sinh là người nước ngoài theo học các CTĐT dạy bằng tiếng Anh tại các Trường thành viên/Khoa trực thuộc.
– Xin GS thông tin rõ hơn về các chương trình đào tạo mới của ĐHQGHN sẽ tổ chức tuyển sinh trong năm nay?
Với vị thế là trung tâm đào tạo đại học, nghiên cứu khoa học và chuyển giao tri thức đa ngành, đa lĩnh vực, ĐHQGHN luôn khảo sát nhu cầu nhân lực của thị trường lao động để có thể xây dựng các chương trình đào tạo đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường lao động 4.0. Năm nay, chúng tôi xây dựng 08 chương trình đào tạo mới nhằm đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cao, đó là: ngành Trí tuệ nhân tạo của Trường ĐH Công nghệ; ngành Kỹ sư Nông nghiệp thông minh và bền vững, Kỹ sư Kỹ thuật xây dựng của Trường ĐH Việt Nhật; ngành Quản lý giải trí và sự kiện, Quản trị đô thị thông minh và bền vững của Khoa Các khoa học liên ngành; đặc biệt, Trường Quốc tế mở 03 chương trình đào tạo cử nhân kết hợp thạc sĩ: ngành Công nghệ thông tin ứng dụng, Kỹ thuật hệ thống công nghiệp và Logistic, Công nghệ tài chính và Kinh doanh số.
– Đây là lần đầu tiên ĐHQGHN mở chương trình đào tạo cử nhân kết hợp thạc sĩ. GS có thể nói rõ hơn về tính ưu việt của các chương trình đào tạo này?
Mô hình đào tạo cử nhân kết hợp thạc sĩ là mô hình đào tạo mới, lần đầu tiên được triển khai tại ĐHQGHN. Theo đó, sinh viên có cơ hội đăng ký học thẳng lên bậc thạc sĩ và tích lũy các tín chỉ của bậc thạc sĩ ngay từ năm cuối cùng của chương trình đại học. Điểm ưu việt đầu tiên của mô hình này là các bạn sinh viên có thể rút ngắn thời gian đào tạo. Cụ thể, thời gian đào tạo bậc đại học là 4 năm và thời gian đào tạo kết hợp là 5 năm, thay vì 6 năm như mô hình đào tạo riêng biệt hiện nay.
Thứ hai, sinh viên các chương trình đào tạo này được học các học phần bằng tiếng Anh ngay từ khối kiến thức nhóm ngành và ngành, khi hết năm thứ 2, sinh viên phải đạt trình độ tiếng Anh B2, tương đương với bậc 4 trong khung năng lực 6 bậc của Việt Nam. Bên cạnh đó, các học phần có sự tham gia của các doanh nghiệp từ khâu xây dựng chương trình đến tổ chức đào tạo nên sinh viên có trải nghiệm thực tiễn tốt, khả năng đáp ứng tốt với công việc.
– Về phương thức tuyển sinh bằng bài thi ĐGNL, chỉ tiêu tuyển sinh dành cho phương thức này như thế nào, thưa GS?
Đổi mới tuyển sinh theo phương thức ĐGNL ở ĐHQGHN là giải pháp mang tính đột phá và cần thiết cũng như thể hiện được vai trò tiên phong của ĐHQGHN trong việc thực hiện Nghị quyết 29 về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Kết quả thi ĐGNL đạt được mục tiêu về chất lượng, quy trình, kết quả, sự tương đồng, cân bằng độ khó/dễ theo khoa học đo lường – khảo thí hiện đại.
Năm 2022, ĐHQGHN dự kiến tổ chức 16 đợt thi ĐGNL cho học sinh bậc THPT, bắt đầu từ tháng 2 đến tháng 8 cho khoảng 70.000 lượt thí sinh. Các trường thành viên/khoa trực thuộc ĐHQGHN và/hoặc các trường ĐH trên cả nước có thể sử dụng kết quả thi để xét tuyển đại học năm 2022. Đến nay, có hơn 60 trường đại học trên cả nước đã đăng ký sử dụng kết quả bài thi ĐGNL làm căn cứ xét tuyển.
Cấu trúc bài thi ĐGNL, gồm 150 câu chia làm ba phần, gồm: Tư duy định lượng (50 câu hỏi trong 75 phút), tư duy định tính (50 câu, 60 phút) và khoa học (50 câu thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên, công nghệ và khoa học xã hội, 60 phút). Thí sinh làm bài thi trên máy tính, câu hỏi dưới dạng trắc nghiệm khách quan (lựa chọn một trong bốn đáp án) và điền đáp án. Tổng thời gian làm bài là 195 phút, thang điểm 150. Đối với phương thức này, các thí sinh có kết quả bài thi ĐGNL từ 80 điểm trở lên có thể đăng ký xét tuyển.
Bài thi sẽ có tính phân loại cao, ĐGNL học sinh theo 3 nhóm năng lực theo chuẩn đầu ra của chương trình giáo dục phổ thông; hướng tới tương quan thuận với kết quả thi tốt nghiệp nhưng có độ khó, tính phân loại cao hơn. Sẵn sàng sử dụng phục vụ tuyển sinh đại học và giúp cho các trường chọn đúng, chọn đủ thí sinh chất lượng vào học những ngành có tính cạnh tranh lớn, điểm đầu vào cao (ví dụ Khối ngành sức khỏe, CNTT, ngoại ngữ, kinh tế, Đông phương học, Hàn quốc học,…).
Năm 2022, ĐHQGHN dành tối thiểu 20% tổng chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển theo kết quả bài thi ĐGNL, đối với các ngành/CTĐT tài năng, chất lượng cao, những ngành “hot” có điểm tuyển sinh cao trên 26 điểm dành 25-30% chỉ tiêu xét tuyển theo phương thức ĐGNL.
– Vậy còn các phương thức xét tuyển khác thì sao, thưa GS?
Năm 2022, ĐHQGHN tiếp tục ổn định phương thức xét tuyển tương tự năm 2021 trên cơ sở điều chỉnh một số quy định, chính sách về xét tuyển thẳng cho phù hợp với chính sách tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT và đảm bảo tuyển được những thí sinh có chất lượng theo học tại ĐHQGHN.
ĐHQGHN xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển và xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT theo quy định chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, xét tuyển thẳng các thí sinh có kết quả trong kỳ thi chuẩn hóa SAT, ACT, A-Level, thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế (IELTS hoặc tương đương) đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào.
Đối với thí sinh tốt nghiệp THPT và có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế (IELTS, TOEFL) hoặc một số chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế khác (thuộc danh mục của ĐHQGHN), kết hợp với điểm 2 môn thi trong tổ hợp xét tuyển của ngành/CTĐT (trong đó bắt buộc phải có môn Toán hoặc Ngữ văn). Thí sinh là người nước ngoài hoặc người Việt Nam học tập THPT tại nước ngoài xét tuyển theo quy định riêng của ĐHQGHN về xét tuyển người nước ngoài vào học tại ĐHQGHN, du học sinh về nước học tập do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Ngoài ra, ĐHQGHN mở rộng đối tượng xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển đối với thí sinh đạt giải trong kỳ thi Olympic của ĐHQGHN, thí sinh đạt giải học sinh giỏi cấp Tỉnh/TP, thí sinh thuộc các trường THPT Chuyên trong cả nước có kết quả học tập đạt loại giỏi và kết quả thi tốt nghiệp THPT đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của ngành/nhóm ngành/CTĐT.
– Việc xác nhận nhập học ở ĐHQGHN năm nay sẽ như thế nào, thưa GS?
Năm nay, ĐHQGHN tiếp tục tổ chức cho thí sinh Xác nhận nhập học trực tuyến, việc này hỗ trợ tối ưu cho thí sinh, giúp hạn chế việc đi lại và tránh được tình trạng thất lạc hồ sơ của thí sinh khi gửi qua bưu điện.
Thông tin chi tiết về tuyển sinh đại học chính quy năm 2022 của ĐHQGHN được công bố trên website của ĐHQGHN và trang thông tin điện tử của các đơn vị đào tạo thành viên/trực thuộc ĐHQGHN.
– Năm nay Bộ Giáo dục và Đào tạo có nhiều điểm mới trong hướng dẫn tuyển sinh, GS có thể lưu ý một số điểm quan trọng với thí sinh?
Các em lưu ý từ ngày 22/7/2022 đến 17h00 ngày 20/8/2022, thí sinh đăng ký, điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng xét tuyển không giới hạn số lần. Việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển đối với các phương thức xét tuyển phải thực hiện theo hình thức trực tuyến trên Hệ thống hoặc trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Thí sinh sử dụng tài khoản đã được cấp để xử lý thông tin (nhập, sửa, xem) thông tin của thí sinh trên Hệ thống. Các nguyện vọng của thí sinh đăng ký xét tuyển vào các ngành, các phương thức tuyển sinh ở tất cả các trường được xếp thứ tự từ 01 đến hết (nguyện vọng 01 là nguyện vọng cao nhất); Tất cả các nguyện vọng xét tuyển của thí sinh theo các phương thức xét tuyển của trường được xử lý trên Hệ thống và mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển 1 nguyện vọng cao nhất trong số các nguyện vọng đã đăng ký và đủ điều kiện trúng tuyển.
– Thưa GS, những điểm khác biệt trong đào tạo và môi trường học tập ở ĐHQGHN có thể kể tới là gì?
Trước hết, ĐHQGHN có truyền thống lâu đời nhất cả nước với tiền thân là ĐH Đông Dương, đến nay, ĐHQGHN đã có lịch sử hơn 100 năm với nhiều cựu sinh viên tiêu biểu, đã và đang có đóng góp trong quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước. Đặc biệt, nhiều người trong số họ cũng giữ những vị trí chủ chốt, quan trọng trong các cơ quan nhà nước, chính quyền và các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế mũi nhọn của cả nước.
Một điểm đặc sắc nữa trong đào tạo của ĐHQGHN là chương trình đào tạo bằng kép. ĐHQGHN là đơn vị đào tạo bằng kép cho sinh viên nhiều nhất tại Việt Nam. Tất cả sinh viên của ĐHQGHN đều có cơ hội học bằng kép tại các khoa, trường như: Trường ĐH Ngoại ngữ, Trường ĐH Giáo dục, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường Quốc tế, Khoa Luật… Trong cùng một khoảng thời gian học, sinh viên có thể nhận được hai bằng đại học khi tốt nghiệp và cũng có nhiều lợi thế hơn để ứng tuyển các vị trí việc làm sau khi ra trường. Tuy nhiên, các sinh viên cần lưu ý, học bằng kép là cơ hội nhưng cũng là một thách thức. Việc học bằng kép đòi hỏi sinh viên phải tập trung cao độ, thật sự nỗ lực, chăm chỉ. Từ đó sinh viên sẽ được rèn luyện khả năng tư duy nhạy bén, quản lý và sắp xếp thời gian sao cho hợp lý, làm việc hiệu quả và chịu được áp lực. Đó là nền tảng để sinh viên rèn luyện và hoàn thiện bản thân trước khi bước ra cánh cổng trường đại học.
Năm học 2022 -2023, ĐHQGHN bắt đầu triển khai thí điểm chương trình học bổng cho sinh viên các ngành khoa học cơ bản thuộc Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn với gói học bổng gồm: miễn học phí, miễn phí chỗ ở nội trú, ưu tiên tham gia nghiên cứu khoa học và chương trình ươm tạo nhà khoa học, ưu tiên khi xét các học bổng khác và hỗ trợ sinh hoạt phí 20 triệu đồng/năm học.
Như vậy, ngoài các chính sách học bổng khuyến khích học bổng từ nguồn ngân sách nhà nước và học bổng ngoài ngân sách được tài trợ từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, sinh viên các ngành khoa học cơ bản của ĐHQGHN có thêm cơ hội hiện thực hóa ước mơ của mình với ngành học yêu thích với chương trình học bổng dành riêng này. Đây sẽ là động lực để sinh viên các ngành khoa học cơ bản nâng cao trình độ, trở thành sinh viên, nhà khoa học giỏi, tạo nguồn nhân lực cho các bậc học cao hơn cũng như nguồn nhân lực khoa học trong tương lai.
Xin cảm ơn GS.
Theo Minh Đăng (VNU-Media)