Hotline: 024 3754 9429   |   

Vật lý kỹ thuật- Ngành học bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao cho cơn “khát” lao động trong lĩnh vực sản xuất chip

Công nghiệp bán dẫn được hình thành từ những năm 1960, bao gồm những lĩnh vực lớn như chế tạo vật liệu, linh kiện bán dẫn và đứng sau cả một ngành công nghiệp điện tử viễn thông, công nghệ thông tin rộng lớn.

Chất bán dẫn đã trở thành nguyên liệu không thể thiếu cho nhiều thiết bị điện tử, cũng như cấu thành các thiết bị phục vụ cuộc sống hàng ngày, được sử dụng đa ngành, đa lĩnh vực như y tế, môi trường, năng lượng. Chất bán dẫn là thành phần cơ bản trong các thiết bị kỹ thuật số, cấu thành nên những con chip nhỏ và siêu nhỏ trong các linh kiện điện tử có mặt trong các thiết bị như điện thoại thông minh, ô tô tự lái, thậm chí cả công nghệ trí tuệ nhân tạo hay trung tâm dữ liệu. Ngành công nghiệp bán dẫn hay còn gọi là vi mạch điện tử được đánh giá là một trong những ngành quan trọng nhất với doanh thu hàng năm lên tới trăm tỷ USD và đã trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn, trọng điểm của nhiều quốc gia trên thế giới. Các quốc gia có nền công nghiệp phát triển như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đều dành các chính sách ưu tiên cho lĩnh vực này nhằm xây dựng năng lực tự chủ quốc gia. Trong những năm cuối thập niên 90 và đầu những năm 2000, Intel (Mỹ) là doanh nghiệp dẫn đầu về doanh thu vật liệu bán dẫn hàng năm. Từ năm 2017 đến nay, Samsung (Hàn Quốc) đã vươn lên dẫn đầu về doanh thu và trở thành doanh nghiệp thiết kế, sản xuất và bản mạch tích hợp hàng đầu thế giới.

Ảnh 1. TSMC, nhà sản xuất và gia công chip cao cấp lớn nhất thế giới (nguồn: theloadstar.com)

 

Năm 2021, ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu được dự đoán sẽ nối đà của năm 2020 và tiếp tục tăng trưởng mạnh. Các chuyên gia cho rằng, dưới tác động của dịch Covid-19 và căng thẳng thương mại dẫn đến việc tăng lượng đặt trước tấm wafer thì việc phát triển nhanh các tiến trình công nghệ tiên tiến 7nm, 5nm, và 3 nm nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của điện thoại thông minh 5G, máy trò chơi và bộ xử lý đồ họa (GPU) trong các máy chủ đám mây sẽ kéo theo sự tăng trưởng của ngành bán dẫn trên toàn cầu.1

Những ngày gần đây, Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel) cũng vừa đề xuất Thủ tướng Phạm Minh Chính để sản xuất chip phục vụ nhu cầu nội địa và hướng tới xuất khẩu. Đề xuất này được đưa trong bối cảnh tình trạng thiếu chip trên toàn cầu thời gian qua ảnh hưởng trầm trọng tới nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Nhiều nước cũng đã thúc đẩy sản xuất chip vì an ninh quốc gia.2

Ảnh 2. Samsung đưa tiến trình 3nm trong sản xuất công nghiệp chip (nguồn: https://news.samsung.com/)

 

Việc làm chủ quy trình sản xuất được coi là công nghệ lõi của rất nhiều cường quốc trên thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, và Đài Loan.

Hiện nay, bên cạnh TSMC, hãng sản xuất chip được coi lớn nhất thế giới, rất nhiều tập đoàn công nghệ lớn nhất hành tinh đều tham gia nghiên cứu, chế tạo và sản xuất chip như Samsung, Qualcom, Intel, hay Apple cũng tự chế tạo con chip riêng M1, M2. Tuy nhiên, những báo cáo và thực tế thị trường gần đây chỉ ra sự thiếu hụt nghiêm trọng về nguồn nhân lực, đặc biệt là chuyên gia, kỹ sư giỏi cho lĩnh vực này. Điều này tạo ra một cuộc đua tranh để thu hút nhân tài mang tính toàn cầu, từ những quốc gia phát triển, hay ngay cả tại quốc gia đang phát triển mạnh mẽ như Việt Nam.3

 

Đáp ứng nhu cầu cung cấp nhân lực chất lượng cao, cũng như nắm được xu thế phát triển của công nghiệp bán dẫn, Khoa VLKT& CNNN, trường ĐHCN tổ chức những học phần đại cương và chuyên ngành liên quan như Vật liệu đại cương, Vật lý bán dẫn, Vật liệu và linh kiện bán dẫn nano. Ngoài ra, ở những bậc học cao hơn như thạc sĩ và tiến sĩ, người học còn nắm được những kiến thức chuyên sâu như quy trình chế tạo chip, CMOS, TFT, OLED hay QDLEDs.  Khoa VLKT& CNNN cũng trang bị cơ sở vật chất đầy đủ, PTN, thiết bị hiện đại, tạo điều kiện cho học viên thực hành, thực tập cũng như tổ chức các chương trình kiến tập tại các công ty, viện nghiên cứu đối tác. Điều này mở ra cơ hội lớn về công việc cho những sinh viên có kiến thức, đặc biệt là đam mê trong lĩnh vực vật liệu và linh kiện bán dẫn.

Thông tin tham khảo về ngành học, chương trình học và tư vấn tuyển sinh, liên hệ:

KHOA VẬT LÝ KỸ THUẬT VÀ CÔNG NGHỆ NANO

Địa chỉ: Khoa Vật lý kỹ thuật và Công nghệ nano, Phòng 2.2, nhà E4, 144 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội

Điện thoại: (024) 3754 9429 - Fax: (024) 3754 9429

Email: vlkt-cnnn@vnu.edu.vn

Fanpage: https://www.facebook.com/FEPN.UET

Tài liệu tham khảo:

1. https://consosukien.vn/phat-trien-cong-nghiep-ban-dan-tai-viet-nam.htm

2. https://vnexpress.net/viettel-muon-nghien-cuu-san-xuat-chip-4500350.html

3. https://vneconomy.vn/nganh-chip-trong-con-khat-nhan-luc-chua-tung-thay.htm

Lượt xem: 184
Tin liên quan
Bình chọn
Bạn yêu thích lĩnh vực nào?
Thống kê truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 3
Hôm nay : 2.729
Hôm qua : 2.525
Năm 2024 : 34.920
Đối tác